CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
BÀI TUYÊN TRUYỀN: BẢN SAO CHỨNG THỰC ĐIỆN TỬ TỪ BẢN CHÍNH
18/03/2023 12:00:00

Theo ước tính của Bộ Tư pháp, nếu tái sử dụng được khoảng 30% số bản sao chứng thực, cả nước sẽ tiết kiệm được trên 400 tỷ mỗi năm. Vậy làm thế nào để có thể tái sử dụng được bản sao chứng thực?

✴️Với bản sao chứng thực từ bản chính

Từ trước đến nay, chúng ta đã quen với việc sử dụng bản sao bằng bản giấy, mỗi khi cần bản sao người có yêu cầu sẽ phải sử dụng bản chính photo thành nhiều bản sao và đưa đến cơ quan có thẩm quyền để thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính.

Tuỳ vào như cầu sử dụng, tức là cần nộp bao nhiêu hồ sơ, thủ tục người có yêu cầu sẽ phải photo ra bấy nhiêu bản. Tức là nếu mỗi lần đi làm, nếu bạn photo chỉ 1 bản thì chỉ nộp được 1 lần cho 1 bộ hồ sơ, nếu photo 5 bản sẽ sử dụng nộp cho 5 bộ hồ sơ …Số lần sử dụng và số bộ hồ sơ có thể nộp là có giới hạn phụ thuộc vào số lượng bản sao bạn đã làm.

Do vậy, mỗi khi hết số bản sao đã làm bạn lại phải photo và đến cơ quan chứng thực để làm tiếp. Sẽ phải tốn thời gian đi lại, chờ đợi, chi phí photo, chi phí chứng thực tương đương với số bản photo bạn cần (ví dụ 1 lần photo 5 bản sẽ phải mất tiền photo và phí chứng thực của 5 bàn nhưng dùng nộp 5 bộ hồ sơ là hết, khi cần lại phải làm tiếp).

✳️Việc tái sử dụng có thể thực hiện được đối với bản sao điện tử chứng thực từ bản chính?

Ngày 08/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 quy định về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/5/2020) quy định:

- Bản sao điện tử: là bản chụp dưới dạng điện tử từ bản chính dạng văn bản giấy hoặc tập tin có nội dung đầy đủ, chính xác như nội dung ghi trong sổ gốc, bản chính dạng văn bản giấy.

- Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính: là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, có nghĩa là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành toàn bộ hoặc một số bước thực hiện TTHC, thủ tục giải quyết công việc bằng phương tiện điện tử thông qua các dịch vụ công trực tuyến gọi dịch vụ công trực tuyến toàn trình hoặc dịch vụ công trực tuyến 1 phần (tỉnh Nghệ An có 1022 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 786 thủ tục trực tuyến một phần).

Việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử có giá trị pháp lý như các hình thức khác theo quy định của pháp luật, còn được gọi là nộp hồ sơ TTHC qua mạng), việc sử dụng bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.

Việc sử dụng bản sao điện tử có nhiều tiện ích, không chỉ đối với tổ chức, cá nhân mà còn với cả cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan hành chính làm nhiệm vụ chứng thực, cụ thể:

- Chứng thực điện tử là giải pháp góp phần tiết kiệm nhiều hơn nữa về thời gian, công sức, chi phí giao dịch, qua đó đem lại sự tiện lợi, hài lòng cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC.

Thực tế hiện nay, khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến (toàn trình hoặc một phần), công dân, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện việc nộp bản sao chứng thực hoặc xuất trình giấy tờ gốc để xác minh lại hồ sơ. Trong khi đó, bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính để dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch điện tử (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).

Khi sử dụng bản sao chứng thực điện tử, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn đối với đa số các TTHC đã được cung cấp trên môi trường điện tử, loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ hiện nay.

Bên cạnh đó, bản sao chứng thực điện tử được ký số và đóng dấu bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác, có ưu điểm là có thể sử dụng lại nhiều lần. Với một bản sao chứng thực điện tử, công dân, doanh nghiệp sử dụng được cho nhiều bộ hồ sơ trực tuyến khác nhau (thay vì mỗi bộ hồ sơ phải có một văn bản chứng thực riêng), do vậy tiết kiệm được rất nhiều về công sức, thời gian, chi phí.

- Đối với cán bộ, công chức tiếp nhận bản sao điện tử đã chứng thực cũng có nhiều thuận lợi hơn do bản sao được ký số và đóng dấu bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể dễ dàng kiểm tra, giải quyết cho thủ tục tiếp theo. Thủ tục chứng thực bản sao điện tử từ bản chính cũng không phức tạp. Người thực hiện chứng thực kiểm tra bản chính, chụp điện tử bản chính, nhập lời chứng thực bản sao từ bản chính và thực hiện ký số của người thực hiện chứng thực, cơ quan có thẩm quyền chứng thực và cập nhật vào sổ chứng thực.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2019 số lượng bản sao chứng thực được thực hiện là trên 102 triệu bản, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội sẽ tiết kiệm được trên 428 tỉ đồng mỗi năm. Như vậy, việc thực hiện chứng thực bản sao điện tử mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho cả phía người dân, doanh nghiệp và cơ quan hành chính nhà nước.

⁉️Có thể làm bản sao điện tử chứng thực từ bản chính ở đâu?

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Chí Linh, tổ chức, cá nhân có như cầu cấp bản sao điện tử chứng thực từ bản chính có thể thực hiện tại Phòng Tư pháp và UBND 19 xã, phường, cụ thể:

- Phòng Tư pháp: Tiếp nhận và thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài; cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam liên kết với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp hoặc chứng nhận.

- UBND các xã, phường: Tiếp nhận và thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính các giấy tờ, văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận.

*Một số lưu ý đối với tổ chức, cá nhân có yêu cầu cấp bản sao điện tử chứng thực từ bản chính

- Thứ nhất, để được cấp bản sao chứng thực điện tử hay thực hiện các TTHC trực tuyến, tổ chức, cá nhân cần phải có tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), để lập tài khoản bạn chỉ cần truy cập địa chỉ https://dichvucong.gov.vn , chọn đăng ký và làm theo hướng dẫn.

Lưu ý: Để đăng ký tài khoản dịch vụ công, sim số điện thoại phải là sim chính chủ (số CMND/CCCD dùng để đăng ký tài khoàn và đăng ký thuê bao di động phải cùng của một người).

- Thứ hai, trước khi thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, tổ chức, cá nhân có thể đặt lịch hẹn với cơ quan có thẩm quyền thực hiện chứng thực. Nếu đặt lịch hẹn, Tổ chức, cá nhân đăng nhập vào Cổng dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), chọn cơ quan có thẩm quyền thực hiện chứng thực và đặt lịch hẹn.

- Thứ ba, khi thực hiện chứng thực bản sao từ bản chính, tổ chức, cá nhân mang bản chính giấy tờ cần chứng thực và các giấy tờ liên quan tới trực tiếp cơ quan có thẩm quyền thực hiện chứng thực để yêu cầu chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Sau khi được tiếp nhận bản chính để chứng thực, tổ chức, cá nhân nộp lệ phí chứng thực trực tiếp tại nơi thực hiện chứng thực

- Thứ tư, bản sao điện tử đã chứng thực từ bản chính được đồng bộ về tài khoản cổng DVCQG (trong trường hợp thông tin đăng ký trùng với thông tin tài khoản DVCQG) hoặc gửi về email cho người đăng ký theo email do người đăng ký cung cấp.

+ Phí chứng thực: 2.000 đồng/trang; từ trang thứ 3 trở lên thu 1.000 đồng/trang, tối đa thu không quá 200.000 đồng/bản. Trang là căn cứ để thu phí được tính theo trang của bản chính.

+ Thời hạn giải quyết: Trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ. Đối với trường hợp cùng một lúc yêu cầu chứng thực bản sao từ nhiều loại bản chính giấy tờ, văn bản; bản chính có nhiều trang; yêu cầu số lượng nhiều bản sao; nội dung giấy tờ, văn bản phức tạp khó kiểm tra, đối chiếu mà cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực không thể đáp ứng được thời hạn quy định nêu trên thì thời hạn chứng thực được kéo dài thêm không quá 02 (hai) ngày làm việc hoặc có thể dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực. Trường hợp trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo hoặc phải kéo dài thời gian theo quy định thì người tiếp nhận hồ sơ phải có phiếu hẹn ghi rõ thời gian (giờ, ngày) trả kết quả cho người yêu cầu chứng thực.

- Thứ năm, về yêu cầu, điều kiện đối với bản chính giấy tờ, văn bản cần chứng thực bản sao điện tử:

+ Bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao: Bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ; Bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung; Bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp; Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân; Giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

+ Trong trường hợp bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật trước khi yêu cầu chứng thực bản sao, trừ trường hợp: Được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại. Các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp cho cá nhân như hộ chiếu, thẻ căn cước, thẻ thường trú, thẻ cư trú, giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp, chứng chỉ và bảng điểm kèm theo bằng tốt nghiệp, chứng chỉ thì không phải hợp pháp hóa lãnh sự khi chứng thực bản sao từ bản chính./.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG ĐỒNG LẠC - THÀNH PHỐ CHÍ LINH

Trưởng Ban Biên tập: Nguyễn Văn Thuận

Địa chỉ: Đồng Lạc-Chí Linh- Hải Dương

Điện thoại: 0969331965

Email: nguyenvanthuan1965.ubnd@gmail.com

 
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0