1.Nội quy an toàn về phòng cháy chữa cháy
Trong nội dung của bảng hướng dẫn phòng cháy chữa cháy, nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy, hướng dẫn phòng cháy chữa cháy tại cơ quan được quy định cụ thể theo luật như sau:
- Về nội quy an toàn phòng cháy và chữa cháy gồm các nội dung cơ bản: Quy định về việc quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị và dụng cụ có khả năng sinh lửa, sinh nhiệt; những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy; quy định việc quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sử dụng phương tiện, thiết bị phòng cháy chữa cháy; những việc cần phải làm để phòng ngừa cháy, nổ hoặc khi có cháy, nổ xảy ra. - Sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy chữa cháy thể hiện các hạng mục công trình, hệ thống đường nội bộ, lối thoát nạn, hướng thoát nạn, vị trí nguồn nước chữa cháy và phương tiện tham gia chữa cháy. Tùy theo tính chất, đặc điểm hoạt động cụ thể của từng cơ sở, sơ đồ chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy có thể tách thành các sơ đồ chỉ dẫn riêng thể hiện một hoặc một số những nội dung nêu trên.
2.Nội dung về biển cấm, biển báo về phòng cháy chữa cháy
Dưới đây là những nội dung về biển cấm, biển báo và biển chỉ dẫn về phòng cháy, chữa cháy bao gồm:
+ Biển cấm lửa, biển cấm hút thuốc, biển cấm cản trở lối đi lại và biển cấm dùng nước làm chất dập cháy. Đối với những nơi sản xuất, quản lý, bảo quản và sử dụng vật liệu nổ, khí đốt hóa lỏng, xăng, dầu hay những nơi có nguy cơ cháy, nổ cao cần phải có biển cấm mang. Việc sử dụng diêm, bật lửa, điện thoại di động, thiết bị thu phát sóng và các thiết bị, vật dụng, chất có khả năng phát sinh nhiệt, tia lửa hoặc lửa phải có biển phụ ghi rõ những vật cần cấm.
+ Biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy gồm các biển chỉ hướng thoát nạn, cửa thoát nạn, bình chữa cháy, trụ nước chữa cháy, nơi lấy nước chữa cháy, các phương tiện chữa cháy cơ giới và phương tiện chữa cháy khác.
Các nội quy an toàn, sơ đồ chỉ dẫn, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy phải được phổ biến và niêm yết ở những nơi dễ thấy để mọi người biết , nghiêm chỉnh chấp hành theo quy định.
3.Nội dung huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy
Huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cũng là công việc quan trọng, giúp nâng cao kỹ năng phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm cho người dân. Nội dung này bao gồm:
+ Các kiến thức pháp luật, kiến thức về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với từng đối tượng.
+ Các phương pháp tuyên truyền, xây dựng phong trào quần chúng phòng cháy và chữa cháy.
+ Các biện pháp phòng cháy chữa cháy.
+ Phương pháp xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, các biện pháp, chiến thuật và kỹ thuật chữa cháy.
+ Phương pháp bảo quản và việc sử dụng các phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
+ Phương pháp kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ.
+ Các phương pháp, biện pháp, kỹ thuật, chiến thuật cứu người bị nạn trong sự cố cháy, nổ;
Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn phải thiết thực, phù hợp với từng loại đối tượng cũng như tính chất đặc điểm hoạt động của từng loại cơ sở.
4.Kỹ năng cơ bản về phòng cháy chữa cháy
Khi gặp phải các tình huống nguy hiểm, xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn thì mỗi người cần bình tĩnh để tìm cách ứng phó linh hoạt theo các bước sau:
Bước 1: Phản ứng ngay khi có dấu hiệu của cháy. Khi nghe thấy tín hiệu hoặc phát hiện ra khói, dấu hiệu cháy, nổ thì bạn cần nhanh chóng hành động thoát khỏi khu vực cháy.
Bước 2: Không nên mất thời gian mang theo những đồ không quan trọng. Khi có dấu hiệu của cháy, lửa sẽ lan rất nhanh, vì vậy bạn chỉ có khoảng 2 đến 3 phút để thoát khỏi khu vực ảnh hưởng bởi cháy. Vì thế bạn không nên mang theo những đồ không giúp ích cho việc hỗ trợ thoát hiểm.
Bước 3: Báo động và tri hô những người xung quanh trên đường thoát hiểm. Khi nhận thấy có cháy, bạn cần thông báo đến những người xung quanh, gia đình hàng xóm để cùng thoát hiểm.
Bước 4: Sử dụng ngay các sản phẩm phòng cháy chữa cháy nếu có.
Ngoài ra, khi chung cư xảy ra cháy nổ, tuyệt đối các bạn không được sử dụng thang máy để thoát nạn. Vì sự cố cháy, nổ xảy ra, nguồn điện sẽ bị cắt nên thang máy có thể dừng lại bất cứ khi nào dẫn đến người ở trong bị kẹt và ngạt khí gây tử vong. Khi thoát ra ngoài, bạn cần bình tĩnh di chuyển theo đường cầu thang bộ, không được chen lấn xô đẩy trong quá trình thoát nạn.
Trên đây là những thông tin về bảng hướng dẫn phòng cháy chữa cháy, những kỹ năng cơ bản về phòng cháy chữa cháy . Hy vọng sau khi đọc bài viết này, các bạn đã hiểu rõ được tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác phòng cháy chữa cháy.
Nguồn: Sưu tầm